Bài dự thi đạt giải Nhì trong Cuộc thi “Viết về thầy cô và mái trường mến yêu” của cô giáo Nguyễn Thị Đượm

Lượt xem:

Đọc bài viết

Lặng L … Thầy Tôi

Người viết: Nguyễn Thị Đượm

Đơn vị: THPT Cư M’gar

“Người thầy, vẫn lặng lẻ đi sớm về trưa

Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhoè trang giấy

Để em đến bên bờ ước mơ

Rồi năm tháng sông dài gió mưa

Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa…”

        Những ca từ da diết, thiết tha về hình ảnh người thầy hẳn đã trở lên rất đỗi quen thuộc với bao thế hệ. Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta điều đã nghe, đã thuộc, đã hát được những câu hát đó. Còn với riêng tôi, hơn 20 năm kể từ khi cuộc đời cho tôi gặp NGƯỜI THẦY của tôi, tôi chưa bao giờ hát được hết nửa bài hát này, dù đó là bài hát tôi rất thuộc, rất thích. Bởi bài hát như viết về Thầy tôi, như nói hộ bao nỗi niềm của lòng tôi. Mỗi khi nghe và hát, những yêu thương, những xúc động, những nỗi nhớ khôn nguôi về Thầy khiến tôi không thể nào ngăn được những giọt nước mắt, giọng tôi nhòa đi, cổ họng tôi nghẹn lại. Và khi đó, hình ảnh  Thầy lại hiện trong tôi với bao nỗi nhớ…

Nhớ về Thầy, tôi nhớ về những kỉ niệm khi tôi còn chưa là học sinh của Thầy. Năm lớp 5, tôi ôn thi học sinh giỏi, dưới sự hướng  dẫn của một cô giáo (là vợ của Thầy). Khi ấy, tôi chỉ biết thầy tên là Phạm Viễn  Phương, dạy Toán, Anh cấp hai. Dáng thầy đậm đậm, luôn mang bộ quần áo quen thuộc: quần kaki, áo sơmi sọc nhỏ, dày tay nhưng luôn xắn lên tận khuỷu tay, cả áo và quần đều đã sờn cũ, nhất là vai áo. Thầy ấn tượng người nhìn bời khuôn mặt phúc hậu, đặc biệt là ánh mắt nghiêm nghị nhưng chan chứa yêu thương và tràn ngập suy tư. Thầy có sở thích, nói đúng hơn là đam mê đặc biệt, đó là săn chụp những bức ảnh của bao thế hệ học sinh. Chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của Thầy. Những hôm có lịch ôn học sinh giỏi bất ngờ vào buổi chiều, chúng tôi không kịp đem theo cơm vì nhà xa, Thầy tự tay chuẩn bị cho chúng tôi những bữa cơm nóng ấm, thơm ngon dù chỉ là món trứng chiên, rau muống luộc, cà muối. Lắm lúc cô giáo đi vắng, Thầy giúp chúng tôi giải bài toán khó hay sửa lại câu văn chưa đạt. Kì thi năm ấy, tôi đậu nhất huyện và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tỉnh. Tôi khăn gói lên huyện ở tập trung cùng đội tuyển, bắt đầu quá trình ôn luyện hai tháng. Trong khi các bạn được cha mẹ đưa đi bằng xe máy, tôi hôn nhiên ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đạp khung ngang anh tôi chở, vì nhà tôi không có xe máy, và bố mẹ tôi cũng chẳng biết chạy xe, kể cả xe đạp. Tôi khá bất ngờ khi gặp thầy cô tại nhà nội trú của huyện. Thì ra, Thầy cũng đưa con gái lên ôn luyện, chị ấy học lớp 9. Tôi đứng nép bên góc phòng, đưa mắt quan sát căn phòng với nhiều giường tầng xếp san sát nhau. Các bạn đang được cha mẹ động viên, vỗ về, có bạn còn bật khóc nức nở vì phải xa gia đình. Tôi lạ lẫm, lo lắng nhưng không khóc, dù đầu óc vẫn đang rất mông lung. Bỗng một bàn tay vỗ nhẹ nhẹ lên đầu tôi: “Em yên tâm, có việc gì thì cứ bảo thầy. Cuối tuần thầy lên thăm chị rồi ghé em!”. Tôi chỉ biết “Dạ!” Những ngày cuối tuần sau đó, bạn bè và các chị ai cũng có người thân đến thăm , chỉ có tôi là không. Anh tôi còn phải đi làm. Tôi biết thân biết phận, không tủi thân, không khóc nhưng không phải là không chạnh lòng. Thầy lại lặng lẽ đến bên tôi, đưa tôi khi thì củ khoai, khi thì mớ lạc, hỏi tôi đủ chuyện. Dù mới hơn 10 tuổi, nhưng tôi cảm nhận được rằng thầy cố gắng đưa tôi theo những câu chuyện để tôi khỏi tủi thân. Tôi xúc động, biết ơn Thầy vì những điều bé nhỏ nhưng đong đầy yêu thương như thế!

Tôi bước vào mái trường cấp 2 mang theo sự nuối tiếc những năm tháng đẹp đẽ dưới mái trường tiểu học và cả bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới. Ngoài những đứa bạn thân, Thầy là sự quen thuộc, ấm áp mà tôi có được. Thật vui khi biết Thầy dạy tôi môn Toán, môn tiếng Anh. Ngày ấy còn thiếu giáo viên, trường tôi lại ở vùng sâu vùng xa, tận gần bến sông La Ngà (một nhánh của sông Đồng Nai) nên một giáo viên có thể dạy vài môn. Lại là những năm tháng ôn thi học sinh giỏi. Tôi thi học sinh giỏi trường cả 3 môn Toán, Văn, Anh. Tôi cùng vài bạn nữa gần như  “đóng quân” ở nhà Thầy. Bởi không chỉ ôn luyện cho học sinh, Thầy còn bày cho chúng tôi trang trí báo tường, tập hát, diễn kịch. Thầy vẽ đẹp, hát hay lại còn múa dẻo. Niềm vui của tôi tăng thêm khi giữa năm lớp 6, Thầy trở thành giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi . Tôi luôn có mặt trong đám học trò vây quanh thầy mỗi giờ ra chơi để xem thầy chấm bài, và mong được Thầy nhờ lấy cái nọ, cầm cái kia. Một hôm Thầy bảo “Em đi học tiện ngang chợ, mua giúp thầy hai cái thước đo độ nhé !” Thầy đưa tôi 2.000 đồng. Tôi ghé chợ ngay trưa hôm đó. Tiết sau, tôi hân hoan cầm hai cái thước và 400 đồng còn dư đưa cho Thầy. Thầy lặng lẽ bảo: “Em giữ lại một cây để dùng nhé!” Tôi ngơ ngác không hiểu. Thì ra, Thầy đã nhìn thấy tôi không có thước đo độ, loay hoay dùng bàn tay trái đặt ngang, ngón tay phải đặt xéo để hình dung ra cách đo. Tôi lặng người, chẳng kịp cảm ơn Thầy. Ngoảnh lại, Thầy đã ra khỏi lớp tự khi nào. Năm học cũng sắp kết thúc, tôi lo lắng về khoản học phí mình chưa hoàn thành. Những bó khoai lang mẹ thức đến 11 giờ đêm để bó và dậy từ 3 giờ sáng, đội trên đầu để bỏ cho người ta chỉ đủ để đóng lãi. Tôi không nỡ hỏi tiền mẹ. Tiết học hôm đó, Thầy có nhắc về việc còn một số bạn chưa hoàn thành học phí, và bảo tôi cuối tiết ở lại Thầy có việc nhờ. Tôi đoán Thầy nhờ tôi ghi sổ điểm hoặc coi nhà giúp Thầy để Thầy ra trường chính nộp hồ sơ. Nhưng không! Thầy chỉ lặng lẽ dúi vào tay tôi hai tờ phiếu thu học phí của kì 1 và 2. “Em cầm về đưa cho mẹ nhé! “Tôi dạ…dạ” và nước mắt cứ thế chảy ra! Tôi bất chợt nhớ lại đợt cắm trại giữa năm, lúc cả lớp đang xôn xao vui sướng vì được cắm trại, tôi hơi bần thần vì phải hỏi xin tiền mẹ, tôi ám ảnh ánh mắt đầy âu lo của mẹ mỗi độ lo tiền cho các con. Là vì, mỗi học  sinh cần đóng 20.000 đồng tiền ăn cho hai ngày hai đêm cắm trại. Thầy như hiểu thấu lòng tôi, lại lặng lẽ đến bên: “Em chỉ cần đem theo 2kg gạo là được nhé!” Ôi tôi mừng lắm, ánh mắt ánh lên niềm vui! Sau này nghĩ lại, tôi mới ngỡ ra rằng Thầy đóng tiền cho tôi, chứ có bạn nào đem gạo đi đâu! Tôi vô tư hoà cùng đám bạn bày trò phá phách, nghịch ngợm. Còn Thầy cứ ngồi lặng lẽ ngắm và chụp ảnh chúng tôi, mọi nơi mọi lúc, khi ban ngày chúng tôi chơi kéo co, nhảy bao bố, cũng như ban đêm chúng tôi bôi lọ, ngoáy mũi chọc phá nhau. Nghịch chán, chúng tôi lăn đùng ra ngủ, nằm chất chồng lên nhau đủ mọi tư thế. Thỉnh thoảng thức giấc, tôi thấy Thầy vẫn ngồi đó, sừng sững, đôi mắt vẫn chan chứa yêu thương. Giữa đêm thứ  hai, có bạn trong lớp sốt, khóc lóc đòi về. Giữa 12 giờ khuya lạnh lẽo, gió rít, Thầy vượt 12km đường rừng cao su vắng lạnh để đưa bạn về. Thầy quay trở lại trại luôn trong đêm. Dường như Thầy chẳng hề chợp mắt. Bất cứ khi nào chợt tỉnh, tôi đều thấy Thầy, khi thì ngồi im lặng quan sát, khi thì lặng lẽ, rón rén kéo chăn cho từng đứa, như người mẹ hiền ủ ấp cho những đứa con mình…

Hè năm ấy, với thành tích học sinh ưa tú, đạt học sinh giỏi cả ba môn Toán, Văn, Anh, tôi – đứa học trò duy nhất, được thưởng chuyến du lịch Nha Trang, đi cùng thầy cô toàn trường. Lần đầu đi ô tô, tôi say như chết, nằm vật vã hai ngày không ăn uống, nói năng gì. Trong cơn sốt mê man, tôi luôn cảm nhận được đôi bàn tay ấm áp đặt nhẹ lên trán đôi. Đôi lúc mở mắt, tôi luôn thấy Thầy lặng lẽ ngồi bên. Đến ngày thứ ba tôi tỉnh, ra biển được một lúc. Thầy bảo tôi chụp cùng gia đình thầy cô một tấm ảnh làm kỉ niệm. Thế nhưng, tôi nhất định từ chối. Tôi tự ti vì làn da đen nhẻm và thân hình nhỏ thó, chỉ 22kg của mình. Suốt hai ngày còn lại, Thầy luôn cố gắng bấm máy, chụp khoảnh khắc tôi cùng con gái và vợ Thầy vui đùa với nhau, nhưng tôi đều đưa tay che mặt. Sau này nghĩ lại, tôi vô cùng nuối tiếc vì không để Thầy lưu lại bức ảnh nào cùng gia đình Thầy.

Những năm cấp hai trôi qua nhanh chóng, chúng tôi cũng quen dần với việc không còn được học Thầy từ năm lớp 7. Tôi thi đỗ trường huyện với điểm 8, còn các bạn ở lại trường xã học. Ngày nhận kết quả, tôi vừa vui vừa buồn, vui vì tôi vào được trường mình mong muốn, buồn vì phải xa các bạn, và hơn nữa là đi học xa tốn thêm tiền trọ, tiền ăn, tiền may áo dài. Giữa lúc tôi đang bộn bề suy nghĩ về năm học mới, tôi nhận được một gói quà nhỏ, không ghi địa chỉ người gửi. Tôi mở ra, một bộ áo dài đã mặc nhưng còn mới tinh, thơm mùi xà phòng mới giặt. “Bộ áo dài của chị nhà thầy, gửi em mặc để thay đổi nhé!” Tôi cầm tờ giấy thầy ghi mà run run! Sau mấy năm mà thầy vẫn dõi theo tôi! Trường tôi học phải mặc áo dài cả tuần, tôi vui sướng vì có hai bộ áo dài để thay, trong khi đa số các bạn chỉ có một bộ thôi!

Mùa hè năm lớp 10, do một số biến cố, nhà tôi chuyển lên Tây Nguyên sống. Tôi cũng đi vội vã mà không kịp chào bạn, chào Thầy. Ngồi trên xe, tôi ngoảnh mặt nhìn lên ngôi nhà gỗ đơn sơ của Thầy, thầm nói: “Thầy ơi! Em đi!” Hai năm sau, tôi trở thành cô sinh viên sư phạm Văn đúng như tôi mong ước. Tôi ghé thăm Thầy nhân một dịp về quê có tang, Thầy vẫn lặng lẽ như ngày nào, mỉm cười nghe tôi kể chuyện trường, chuyện đời…

Rồi vào buổi chiều tháng 10 năm 2011, cùng gió lạnh về, xao xác đông như chiều nay, tôi nhận được cuộc điện thoại từ đứa bạn thân: “Mày về ngay đi, thầy mất rồi!”. Tôi chết lặng! Thầy ơi! Em còn chưa nói được một lời cảm ơn với Thầy! Ngày mai tôi dạy hai tiết để đánh giá hoàn thành tập sự , để chính thức biên chế. Suốt đêm hôm đó và cả hôm sau, đầu óc tôi miên man giữa thực và hư, miên man trong những kỉ niệm, kí ức về người thầy đáng kính. Tôi không nhớ mình đã trải qua hai tiết đánh giá như thế nào, chỉ biết mình phải ổn, phải cố gắng, phải dạy thật tốt. Chỉ nhớ trong hai tiết dạy đó, có khi tôi thoáng thấy hình ảnh Thầy bên dưới, đang mỉm cười hài lòng lắm. Như cái cách thầy vẫn mỉm cười khi những đứa học trò nhỏ làm gì đó mà thầy hài lòng.

Anh tôi có mặt tại Quảng Phú ngay sau khi tôi dạy xong hai tiết, chở tôi bằng xe máy một mạch 400km để về với Thầy. Xe đi giữa 11h trưa mà trời bỗng mưa to như trút nước, cả một đoạn đường dài từ Đăk Lăk, Đăk Nông qua Bình Phước, Bình Dương, đến Đồng Nai vẫn mưa. Tôi về tới nơi tầm 11h khuya, tay chân lạnh cứng, nằm thiếp đi không biết gì, 3h sáng tôi bật tỉnh, chạy vội đến với Thầy.Trời ơi! Người ta đưa Thầy tôi ra tới ngõ rồi! Trong dòng người lặng lẽ bước đi, tôi lê bước. Cả tôi, người thân, mọi người, không ai khóc. Tất cả như tê dại đi trước nỗi mất mát đột ngột này. Hay vì thầy đã sống một cuộc đời quá đẹp, nên trong phút giây này, ai cũng tin thầy còn đó, lặng lẽ hi sinh vì bao thế hệ học trò , nhất là tôi nữa! Nhưng sự thật là Thầy đã đi! Thầy gục xuống ngay trên bàn máy tính sau một cơn đột quỵ. Khi ấy thầy mới 57 tuổi.

Tôi lại trở về Tây Nguyên trên chiếc xe máy. Vẫn là cơn mưa hôm trước, màn mưa giăng trắng trời. Tôi không cảm thấy mệt, cũng không cảm thấy lạnh. Dường như tôi đang không ở hiện tại. Tâm trí tôi lại miên man trong những năm tháng tươi đẹp, giữa bao yêu thương trìu mến và sự hi sinh cao cả của Thầy…

Những câu chuyện về Thầy tôi chưa bao giờ viết lại như thế này. Bởi tôi thực sự cảm thấy sự bất lực của ngôn từ và cả sự kém cỏi của bản thân – một học sinh giỏi văn, một sinh viên Ngữ văn và bây giờ là một cô giáo dạy văn 12 năm tuổi nghề, khi không thể nào lột tả được hình ảnh và tấm lòng của NGƯỜI THẦY vĩ đại ấy! Thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ độ 20/11 đến gần, như một thói quen, như một nhu cầu tình cảm bức thiết, tôi luôn kể cho học sinh tôi nghe những kỉ niệm về thầy tôi. Dù chỉ kể được phần nào của những mảng ký ức chắp nối, tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt xúc động của học sinh, sự im lặng đến thiêng liêng bao trùm lớp học. Tôi cảm nhận, rõ lắm, đây là những tiết học đi vào lòng học trò hơn bất cứ tiết giảng văn tâm huyết nào của tôi.

Sau hơn 20 năm, chiều nay tôi ngồi đây – lần đầu tiên trong cuộc đời – tôi viết về Thầy với tất cả niềm yêu thương, sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc từ trái tim này! Tôi không dám đọc lại những dòng chữ mình viết, tôi sợ mình sẽ làm nhòe hết nét chữ. Nhưng tôi tin tình cảm tốt đẹp này, lời tri ân chân thành này, từ thế giới bên kia, thầy sẽ hiểu thấu, sẽ mỉm cười, đôn hậu, chan chứa tình yêu thương! Và cả các bạn nữa, khi nghe, khi đọc được những tâm tư này, các bạn sẽ tin rằng trên đời này vẫn luôn có những nhà giáo tuyệt vời như thế, những tấm lòng cao cả như thế!

Tôi ươm mầm ước mơ trở thành cô giáo từ những năm tháng học Thầy. Thầy là thần tượng, là khuôn vàng thước ngọc để tôi uốn mình noi theo. Dù tôi biết mình quá bé nhỏ, quá bình thường so với bức tượng đài lớn lao này. Nhưng có một điều là, từ khi trở thành cô giáo cho đến bây giờ, những khi đối mặt với những nghiệt ngã của hoàn cảnh riêng cũng như những làn sóng dư luận xã hội tiêu cực về giáo viên và ngành giáo dục, tôi chưa bao giờ thấy bi quan và chán nản với sự lựa chọn của mình. Tôi biết mình cần làm gì, nên làm gì để xứng đáng với NGƯỜI THẦY của tôi. Tôi cũng luôn tin rằng, dù có thế nào, xã hội vẫn luôn có nhiều người thầy, người cô tâm huyết như thế, tận tụy đến thế! Họ xứng đáng được tôn vinh! Các bạn cũng hãy tin vào điều đó!

                                             Buôn Ma Thuột, những ngày cuối tháng mười…

Một sô hình ảnh tại buổi trao giải.